(PLO)- “Muốn tuyên truyền, phổ biến pháp luật khi xử án thì tòa chỉ cần trang bị màn hình lớn để trong khuôn viên tòa án, người dân mặc sức vào xem. Như thế, các tòa cần gì phải tổ chức xử lưu động chi cho tốn kém!” – LS Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đề xuất.   
 

LS BÙI QUANG NGHIÊM, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HMột màn hình lớn là giải quyết tất các lý do lưu động!

Theo tôi nên chấm dứt việc xét xử lưu động. Lý do: tốn kém, không gian xét xử thiếu nghiêm túc, không phải là nơi chuyên dành cho xét xử.

Xét xử lưu động đúng là tiện lợi cho những người có tính tò mò, ít hiểu biết. Còn việc cân đong, đo đếm xem hiệu quả tuyên truyền pháp luật đối với đối tượng đó như thế

nào thì chưa thấy. Cho nên tôi cho rằng sự tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực.

Lý do nữa là hiện nay phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ rất phát triển, một người bình thường chỉ cần chiếc điện thoại là họ có thể theo dõi nội dung phiên tòa nên không nhất thiết phải tới tham dự phiên tòa lưu động. Hơn nữa từ trước đến nay, các phòng xét xử rất uy nghiêm, không phải tự dưng nhà nước bỏ tiền ra để đầu tư như thế mà nó có ý nghĩa cả. Vậy tại sao mình lại không sử dụng cái phòng xử này? Nếu cho rằng cần phải tuyên truyền thì sao mình không làm cái màn hình lớn để trong khuôn viên tòa án cho người dân họ đến theo dõi. 

 


 
Ông TRẦN VĂN NẾT, Củ Chi, TP.HCM:

Xin đừng phơi bị cáo trước bàn dân thiên hạ!

Tôi có người thân từng bị tòa án đưa ra xét xử hình sự nên tôi hiểu cảm giác như thế nào là đau khổ. Bữa trước tôi có theo dõi trên ti vi vụ án thảm sát ở Bình Phước, thấy gió thổi, bụi cát bay cả vào tóc tai của người dân. Tôi nghĩ tòa nên xử bị cáo trong phòng chứ đừng đem ra trước bàn dân thiên hạ như thế, ngại lắm! Người nhà mình có tội lỗi là đã xấu hổ quá rồi nên chỉ mong tòa làm sao cho kín đáo.

 

 


 
LS TRẦN THANH PHONG,Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Cần Thơ:

Tòa tỉnh về huyện xử lưu động với án phúc thẩm

Thật ra, việc xét xử lưu động không phải chỉ có ở nước ta. Quay lại lịch sử tư pháp ở các nước theo hệ thống thông luật, từ xa xưa, người ta thấy hàng năm thẩm phán đi đến những địa phương khác nhau để xét xử các vụ án. Ví dụ như ở Anh, vua Henry đệ Nhị thiết lập thông lệ này. Người dân tham gia vào việc xét xử ở các tòa lưu động này mà không cần phải đến Luân Đôn, gây thêm tốn kém. Ở Hungary, ngay trong năm 2015, người ta tổ chức các phiên tòa lưu động trên các toa xe đến khu vực biên giới để xét xử người nhập cư trái phép nhằm răn đe người nhập cư. Như vậy, việc mở phiên tòa lưu động là có ý nghĩa, cần thiết nhất định.

Ở Việt Nam, nếu chúng ta quan niệm các phiên tòa lưu động mang đến sự hiểu biết pháp luật cho người dân thì nên để cho các cơ quan thông tin đại chúng làm thay. Theo tôi, án sơ thẩm cấp huyện không cần xử lưu động, mà lưu động chỉ áp dụng cho án phúc thẩm cấp tỉnh khi vụ án có quá nhiều người tham gia tố tụng. Khi đó, tòa tỉnh sẽ về tòa cấp huyện xử, Nhà nước không phải tốn kém nhiều mà nhân dân cũng ít hao tốn tiền của, công sức.

 


 
Luật sư TRẦN VĂN ĐẠT, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận:

Trái Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự 

Nhiều phiên tòa lưu động do chuẩn bị không tốt nên mục đích tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung không đạt được. Thậm chí, điều này còn gây ảnh hưởng không tốt đến ý thức pháp luật của nhân dân tại nơi xét xử. Có phiên tòa, những người tham dự gây mất trật tự, làm mất tính uy nghiêm của việc nhân danh nhà nước để xét xử. Tôi đồng tình với ý kiến rằng xét xử lưu động là định kiến, suy đoán có tội, trái với Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự. 

 


 
 LS ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội:

Coi chừng tâm lý “không còn gì để mất”

Thực tế cho thấy phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở tòa án thường vắng người. Ngoài những người tham gia tố tụng được tòa triệu tập, cùng lắm có thêm vài người nhà bị cáo, thậm chỉ có lúc chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, những phiên tòa lưu động thì đông đúc người xem, mang lại hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật cao.

Tuy nhiên, có nên tăng cường xử lưu động hay không là vấn đề cần được nghiên cứu, nhìn nhận thấu đáo giữa cái lợi và cái hại, giữa lợi ích chung với tính nhân văn và nhân đạo trong việc thực thi pháp luật. Nhìn từ góc độ lợi ích chung thì phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe chung đối với mọi người.

Tuy nhiên, đối với bị cáo thì hầu như không ai mong muốn bị đưa ra xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Bị cáo bị đưa ra xử lưu động ngoài việc phải chịu hình phạt của tòa họ còn phải chịu sức ép nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè lối xóm và cộng đồng. Không chỉ bị cáo mà người thân của họ còn bị lên án, xa lánh và kỳ thị.

Ngoài trừng trị, mục đích của hình phạt còn cải tạo, giáo dục người phạm tội thành công dân có ích cho xã hội. Việc xét xử lưu động vô hình chung gây thêm sự ác cảm từ cộng đồng, khiến người phạm tội mặc cảm. Đây là rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Đối với những trường hợp phạm tội do bản tính côn đồ, coi thường pháp luật thì việc xét xử lưu động sẽ làm tăng thêm tính lỳ lợm, ngông cuồng. Với tâm lý không còn gì để mất, người phạm tội rất có thể sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn.

Ngoài những biểu hiện nêu trên, việc xét xử lưu động đôi khi còn tạo ra sự thiếu công bằng, khách quan trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, do quá thiên về mục đích răn đe, giáo dục nên khi xử lưu động, bị cáo thường phải chịu hình phạt nặng hơn so với xử ở trụ sở Tòa án.

 LS PHAN NGỌC NHÀN, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk:

Phải cân nhắc lựa chọn án để xử lưu động

Theo tôi, tùy từng vụ án mà đưa ra xử lưu động. Mục đích xét xử lưu động là để răn đe, phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội, nếu không khéo sẽ phản tác dụng, chỉ làm cho xã hội bức xúc thêm, chẳng hạn như vụ thảm sát Bình Phước những tình tiết bị cáo khai quá man rợn.

Nhưng theo tôi những vụ băng nhóm đánh nhau thì đem ra xử lưu động cho thật nặng, như thế họ mới biết sợ.

Tòa tối cao quy định một năm xử khoảng 10 vụ lưu động, nếu không đạt được thì bị ảnh hưởng tới thi đua. Điều này rất dễ dẫn đến chạy theo thành tích. Lúc trước tôi đã từng đưa vụ án như con đánh mẹ ra xử lưu động, phạt bị cáo mút khung 7 năm tù. Bởi con trai đánh mẹ thì không thể chấp nhận được. Vụ thứ hai là anh này có vợ và 3 con nhưng lại bạo hành gia đình. Người vợ đi đâu là ghen tuông và đánh vợ tới đó. Vợ về nhà bố chồng thì ghen với bố cả bố mình luôn. Tôi đem ra để xử lưu động vì ở nông thôn tình trạng bạo hành gia đình vẫn còn nhiều.

Theo tôi phải lựa chọn, cân nhắc kỹ từng vụ chứ không phải vụ nào cũng đưa ra xét xử lưu động.


 
LS TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn luật sư TP.HCM:

Tôi phản đối xử lưu động

Luật pháp phải bình đẳng, xử đúng người đúng tội, không thể chỉ vì bị chi phối bởi những thời điểm xảy ra vụ án hay nhu cầu giáo dục răn đe của địa phương mà đem bị cáo ra bêu trước đám đông như thế. Những bị cáo phạm tội trộm cắp bình thường xử hai năm nhưng khi xử lưu động bao giờ cũng nặng hơn, có khi lên đến 2,5 đến 3 năm tù. Tuy không có văn bản nào quy định xử lưu động phải nặng hơn nhưng chuyện này trong ngành ai cũng biết. Làm như vậy là bất lợi cho người phạm tội.

Tòa án thì phải xử tại trụ sở chứ sao lại nay xử ở trường học, mai lại xử một bãi đất trống nào đó...  Điều này giảm mất đi sự nghiêm túc, nghiêm minh của luật pháp. Tôi ví dụ trường hợp mới đây là vụ án thảm sát ở Bình Phước xử tại bãi đất trống nhưng thời gian kéo dài đến tận tối, chủ tọa khi tuyên án phải đọc bản án dưới ánh đèn để bàn vì thiếu ánh sáng, rồi phía dưới vành móng ngựa mặt bị cáo liên tục có những ánh đèn của phóng viên lóe lên.


 

LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên:

Sao không có vụ án tham nhũng nào được xử lưu động?

Hiện nay, chỉ tiêu của ngành tòa án bắt buộc hàng năm phải có tỷ lệ phần trăm vụ án phải xử lưu động. Từ đó dẫn tới sự chủ quan, mục đích giáo dục tuyên truyền bị phản tác dụng như:

Chưa độc lập trong việc xét xử: Thường có sự phối hợp giữa tòa và VKS trong việc bàn mức án trước để đảm bảo kết quả xét xử lưu động trong giới hạn mà VKS đã đề xuất. Do đó, ý kiến của luật sư bào chữa trong các vụ án này thường bị bác bỏ (như yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung, triệu tập thêm nhân chứng...). Nhiều khi phiên xử vắng nhân chứng, người liên quan... nhưng tòa vẫn xử, vì đã lỡ chuẩn bị đâu đó hết rồi. Điều này không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và những người tham gia khác.

Tốn kém chi phí: Khi xét xử lưu động phải điều động rất nhiều lực lượng an ninh, bảo vệ, âm thanh, ánh sáng để đảm bảo xét xử.

Nhiều địa điểm xét xử lưu động nhếch nhác, tạm bợ không đảm bảo tính nghiêm minh, như vụ ở Bình Phước vừa rồi chẳng hạn.

Vụ án đưa ra xét xử lưu động không có tính thời sự: Nhiều vụ án đưa ra xét xử lưu động người dân không quan tâm, như các tội trộm cắp, đánh bạc... Lâu nay chưa thấy vụ án tham nhũng nào được đưa ra xét xử lưu động cả. Sao lại có sự phân biệt này?

Đối tượng đưa ra xử lưu động chưa hợp lý: Nhiều trường hợp người chưa thành niên vẫn bị đưa ra xử lưu động. Khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2011 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ LĐ-TB&XH đã quy định: “Không tiến hành xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm”. Như vậy, quy định này có cũng như không vì khi luật sư có ý kiến thì tòa nói trường hợp này cần giáo dục, tuyên truyền...

Khoản 3 Điều 16 thông tư này quy định: “... đối với những tội xâm phạm tình dục bị hại là trẻ em cần thiết phải xử kín để đảm bảo danh dự nhân phẩm người bị hại”. Vừa qua, tôi tham gia trợ giúp pháp lý cho một cháu gái ở huyện Đồng Xuân. Cháu hơn 13 tuổi, yêu người đã thành niên và có thai. Gia đình hai bên làm lễ đính hôn thì bị phát hiện và yêu cầu công an huyện khởi tố vụ án. Tòa án huyện đưa ra xử lưu động tại địa phương, người dân đến xem rất đông. Tòa tuyên 3 năm tù giam, sau đó hai bên kháng cáo và được tòa án tỉnh cho hưởng án treo. Người dân không hiểu, họ nói sao nó bị 3 năm tù rồi mà giờ vẫn cứ thấy nhởn nhơ ở nhà. Như vậy, trường hợp này thì giáo dục pháp luật ở chỗ nào, trong khi việc xử lưu động như thế còn khiến người bị hại và gia đình, người thân của bị cáo tổn thương thêm!

Theo tôi, TAND Tối cao cần xem lại vấn đề xử lưu động.  

Nhóm Phóng viên