Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0567501111
Luật sư Điền Bảo Trân 0567 50 1111
luatdatdien@gmail.com
Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 33
  • Trong tuần: 790
  • Trong tháng: 4850
  • Tổng lượt truy cập: 984750

Chi tiết bài viết

  • "Nguyên Tắc Tranh Tụng Trong Xét Xử Được Đảm Bảo" Thể Hiện Trong Luật Tố Tụng Hành Chính

  • Lượt xem: 2355

“Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” thể hiện trong Luật tố tụng hành chính

Trong số các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xừ được đảm bảo” (khoản 5 Điều 163 Hiến pháp năm 2013). Đây là nguyên tắc mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992. Như vậy, theo quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013, pháp luật tố tụng nhất thiết phải cụ thể hóa nguyên tắc này trong công tác xét xử của Tòa án nhân dân ở các lĩnh vực: Hình sự, Dân sự, và Hành chính. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến nội dung: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” đối với Tố tụng hành chính để bạn đọc tham khảo và cũng là đề xuất góp ý vào việc sửa đổi bổ sung Luật Tố tụng hành chính sắp tới.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành nói chung, tố tụng hành chính nói riêng thì mô hình tố tụng hành chính tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm theo hướng xét hỏi kết hợp với tranh luận. Trong các quy định đó, chưa xuất hiện cụm từ “tranh tụng”. Cụm từ “tranh tụng” được xuất hiện đầu tiên tại văn kiện của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị. Nghị quyết có xác định quan điểm chỉ đạo hoạt động đối với Tòa án nhân dân là: “Khi xét xử các Tòa án phải bảo đảm cho mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có tính thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nêu trên của Đảng, Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, và Tố tụng hành chính đã sửa đổi bổ sung về các nội dung “tranh tụng” theo định hướng mà Nghị quyết số 08 của Bộ chính trị đã xác định. Thông qua đó, chất lượng xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự và hành chính đã có những tiến bộ, khắc phục cơ bản tình trạng án quá hạn pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong tố tụng hành chính hiện hành, đã và đang bộc lộ những bất cập, cần thiết phải có sửa đổi bổ sung. Cụ thể là:

1. Điều 158 của Luật Tố tụng hành chính mới chỉ quy định về trình tự phát biểu khi tranh tụng mà chưa quy định nội dung được phát biểu là gì? Trong khi đó Điều 159 của Luật tố tụng hành chính lại quy định “Phát biểu khi tranh luận và đối đáp”. Đồng thời, theo quy định của Điều 159 Luật Tố tụng hành chính, thì nội dung phát biểu khi tranh luận chỉ bó gọn trong phạm vi “khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án”. Nội dung đối đáp gửi những người tham gia tranh luận cũng không được quy định cụ thể. Cũng tại Điều 159 Luật Tố tụng hành chính, chỉ có quy định rất đơn giản là: “Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác”.

2. Mục đích, ý nghĩa của phần tranh luận tại phiên tòa là nhằm làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ kiện hành chính, nhất là các tình tiết mà những người tham gia tranh luận còn có ý kiến khác nhau. Đồng thời thông qua phần tranh luận để giúp hội đồng xét xử sẽ có những đánh giá, nhận định đầy đủ khách quan về nội dung vụ án, để làm căn cứ khi nghị án và ra bản án hoặc quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, với các quy định của luật tố tụng hành chính nêu trên về thủ tục tranh luận tại phiên tòa thì chưa bao hàm được mục đích, ý nghĩa của phần tranh luận tại phiên tòa. Bởi vì, trong tố tụng hành chính, người tham gia tranh luận chỉ có người tham gia tố tụng và các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Không có sự tham gia của kiểm sát viên. Đây là nội dung khác so với tố tụng hình sự,  ở phần tranh luận tại phiên tòa hình sự. Hơn nữa, về vị trí xã hội thì người tham gia tố tụng cũng khác nhau, trong đó người khởi kiện “yếu thế” hơn so với người bị kiện, vì người bị kiện là người có thẩm quyền ra các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Còn người khởi kiện là người phục tùng, chấp hành quyết định hoặc hành vi hành chính. Đây cũng là nội dung khác biệt so với tố tụng dân sự, vì nguyên đơn và bị đơn khi tham gia quan hệ dân sự là bình đẳng, tự nguyện. Xuất phát từ sự khác biệt nêu trên, nên trong thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, phần tranh luận thường đưa ra rất ngắn, trong trường hợp có luật sư tham gia thì chủ yếu là phát biểu của luật sư, nên chất lượng của phần tranh luận rất hạn chế, không đạt được ý nghĩa làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến việc chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng xét xử.

Đối với nội dung đối đáp trong phần tranh luận, thì quy định “Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác”. Quy định này dẫn đến tình trạng khi mà người khác yêu cầu người tham gia tranh luận giải thích hoặc trình bày một vấn đề cụ thể nào đó, lẽ ra người bị yêu cầu có nghĩa vụ giải thích hoặc trình bày nhưng họ không thực hiện hoặc trả lời qua loa, chiếu lệ và Hội đồng xét xử cũng không thể yêu cầu họ thực hiện theo yêu cầu của người đặt ra yêu cầu, vì luật chỉ quy định: Họ có quyền đáp lại ý kiến của người khác, nghĩa là vì là “quyền” của họ nên có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Chính vì vậy trong các phiên tòa hành chính, khi người khởi kiện yêu cầu người bị kiện giải thích, hoặc nêu rõ những căn cứ pháp lý để ra các quyết định hành chính, hành vi hành chính thì người bị kiện thường là trình bày, giải thích chung chung hoặc né tránh. Bất cập này của phần tranh luận trong tố tụng hành chính cần thiết phải sửa đổi để nội dung đối đáp phải vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của những người tham gia tranh luận.

Từ những phân tích nêu trên về những bất cấp trong thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, mà nguyên nhân của những bất cập đó là theo quy định tại điều 158 và điều 189 của luật tố tụng hành chính, đồng thời căn cứ vào khoản 5 điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” và xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của việc tranh tụng: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ”; nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung phần tranh luận tại phiên tòa xét xử các vụ án hành chính mà luật tố tụng hành chính quy định tại điều 158 và điều 159. Tôi xin đề xuất nội dung sửa đổi 2 điều luật như sau:

1. Về tên gọi của điều luật:

Trước hết không nên để phần tranh luận thành 2 điều như hiện nay, vì nội dung của 2 điều luật đó bao hàm phần tranh luận, do vậy kết cấu thành một điều luật. Về tên gọi của điều luật lấy tên là “Tranh tụng tại phiên tòa” là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Sở dĩ lấy tên điều luật đó như vừa nêu là vì: Theo từ điển tiengs việt của nhà xuất bản giao thông vận tải (năm 2012) tại trang 868 thì “tranh tụng” là “kiện tụng” nên thay đổi cụm từ “tranh luận” bằng cụm từ “tranh tụng” vừa phù hợp với Hiến pháp mới, vừa sát nghĩa với bản chất của vụ kiện hành chính.

2. Về nội dung của điều luật.

Điều luật này quy định những nội dung về tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính, nên nội dung chi tiết của điều luật gồm:

a.) Quy định về những người tham gia tranh tụng theo hướng gồm có: Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, những người tham gia tố tụng khác và luật sư của họ (nếu có). Cần lưu ý, kiểm sát viên có mặt tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính không được tham gia tranh tụng, vì là người giữ vị trí kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng; Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính chỉ phát biểu sau khi kết thúc phần tranh tụng và nội dung phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng hành chính kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử vào nghị án.

b.) Quy định về quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính theo hướng: Những người tham gia tranh tụng có quyền nhắc lại những yêu cầu, những căn cứ, bằng chứng để đề nghị Tòa án xem xét khi xét xử vụ kiện, và có quyền yêu cầu những người tham gia tranh tụng khác trả lời hoặc trình bày giải thích về những tình tiết liên quan vụ kiện mà họ cho rằng chưa rõ ràng. Nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng là phải trả lời, hoặc trình bày giải thích về những nội dung mà người tham gia tố tụng khác có yêu cầu.

Quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tranh tụng như vừa nêu là bao hàm cả nội dung phát biểu của những người tham gia tranh tụng, và cả nội dung đối đáp khi họ tham gia tranh tụng. Như vậy, phần tranh tụng mới đảm bảo được tính chất dân chủ, khách quan, những người tham gia tố tụng được trình bày trước Tòa án.

c.) Quy định về trình tự phát biểu khi tranh tụng, theo hướng: Người khởi kiện, luật sư của người khởi kiện (nếu có) phát biểu và nêu câu hỏi (nếu có) trước; tiếp theo người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, luật sư của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có) phát biểu và nêu câu hỏi (nếu có); Sau đó người bị kiện, luật sư của người bị kiện (nếu có) phát biểu, trả lời hoặc trình bày giải thích về những yêu cầu của người bị kiện, cả người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và luật sư của họ (nếu có); Tiếp đến là những người tham gia tố tụng khác phát biểu và nêu câu hỏi (nếu có). Trong trường hợp một người tham gia tranh tụng mà nhận được những yêu cầu (câu hỏi) của những người tham gia tranh tụng khác, thì họ phải trả lời câu hỏi của người khởi kiện trước, sau đó đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tiếp đến là người bị kiện, rồi đến những người tham gia tố tụng khác (nếu có).

Quy định về trình tự phát biểu, đối đáp trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính như nêu trên là nhằm đảm bảo cho quá trình tranh tụng có trật tự, đúng trọng tâm của vụ kiện và đảm bảo tính chất công khai, minh bạch của phần tranh tụng.

d.) Quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng xét xử tại phần tranh tụng, theo hướng: Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính có quyền điều khiển phần tranh tụng theo quy định của luật tố tụng hành chính, có quyền yêu cầu người tham gia tranh tụng dừng phát biểu khi mà họ phát biểu nội dung không liên quan đến vụ kiện hành chính đang đưa ra xét xử, có quyền tuyên bố kết thúc phần tranh tụng khi những người tham gia tranh tụng đã phát biểu hoặc trả lời xong các câu hỏi và các tình tiết của vụ kiện đã được nêu đầy đủ trong quá trình tranh tụng; Hoặc có quyền ngừng phần tranh tụng để trở lại phần xét hỏi khi thấy rằng có tình tiết của vụ kiện chưa được xem xét ở phần xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ, hoặc có chứng cứ mới mà những người tham gia tranh tụng xuất trình. Hội đồng xét xử có nghĩa vụ yêu cầu những người tham gia tranh tụng trả lời, hoặc trình bày, giải thích khi mà người tham gia tranh tụng khác có yêu cầu đối với họ.

Quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng xét xử như vậy, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho thẩm phán, Hội đồng xét xử điều khiển phiên tòa nói chung, phần tranh tụng nói riêng được thuận lợi, tránh sự tùy tiện của Hội đồng xét xử muốn đơn giản hóa phần tranh tụng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý để kiểm sát viên có mặt tại phiên tòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.

Xuất phát từ những bất cập của nội dung tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính hiện nay, đang cần có những thay đổi, bổ sung và căn cứ vào quy định mới của hiến pháp năm 2013 “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” cần thiết phải được cụ thể hóa nguyên tắc này trong luật tố tụng hành chính, nên việc sửa đổi bổ sung phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính thành phần tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính là đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng đúng yêu cầu về lý luận và thực tiễn xét xử đặt ra. Do đó, tôi xin nêu đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung phần tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính nêu trên để bạn đọc tham khảo, và các cấp có thẩm quyền xem xét nghiên cứu.

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng