Mới đây, hai luật sư (LS) bào chữa cho bị can Đỗ Hồng Hải trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa đã gửi kiến nghị yêu cầu được gặp bị can đang bị tạm giam. Bản kiến nghị này được gửi đến cơ quan CSĐT công an tỉnh và VKSND tỉnh Khánh Hòa.
Hai lần “đòi” gặp bị can
Theo đó, trong quá trình điều tra, hai LS đã đăng ký bào chữa cho bị can Hải và được cơ quan CSĐT thông báo tham dự các buổi hỏi cung, đối chất. Tại các buổi này, hai LS đề nghị được gặp, tiếp xúc riêng bị can nhưng không được giải quyết.
Theo bản kiến nghị, điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện bào chữa. Thông tư liên tịch số 01/2018 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao (về phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và VKS kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam) cũng quy định rõ về việc phối hợp giải quyết cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp người bào chữa tại Điều 10. Từ đó hai LS đề nghị CQĐT giải quyết cho họ quyền được gặp bị can đang tạm giam theo luật định.
Tuy nhiên, sau khi gửi kiến nghị thứ nhất ngày 24-6, các LS chưa nhận được câu trả lời thì CQĐT đã có kết luận điều tra vụ án. Sau đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. ngày 28-9, hai LS lại gửi bản kiến nghị lần thứ hai nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Luật đã quy định rõ
Theo LS Từ Tiến Đạt (Đoàn LS TP.HCM), Điều 16 BLTTHS 2015 quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ LS hoặc người khác bào chữa. Cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện quyền này. Khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định rõ: Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của BLTTHS và luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ…
Như vậy, theo LS Đạt, người bào chữa có quyền gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa. Đây là việc gặp riêng giữa hai bên, khác với quyền được gặp thân chủ khi cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành hỏi cung bị can.
Đồng tình, LS Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018 nêu trên thì khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định.
Nếu cần phải giám sát cuộc gặp thì thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu quá trình gặp hai bên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát dừng cuộc gặp, lập biên bản và báo cáo với thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.
Theo LS Nhàn, đây là những căn cứ pháp lý rất chi tiết đảm bảo cho việc thực hiện. Nhưng nhìn chung hiện nay người bào chữa chưa được quyền gặp người bị buộc tội bị tạm giam. LS chỉ gặp được bị can khi có mặt tham gia các buổi hỏi cung theo quy định.
Cần có hướng dẫn cụ thể Tôi cho rằng BLTTHS 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2018 quy định và hướng dẫn LS gặp người bị tạm giam, tạm giữ là rất tiến bộ. Tuy nhiên, các quy định này còn hạn chế là chưa nêu rõ thời gian LS gặp người bị tạm giữ, tạm giam là bao lâu. Điều này có thể dẫn đến việc giải quyết thời gian thăm gặp của hai bên bị cơ sở giam giữ hạn chế theo quy định cũ. Ngoài ra, BLTTHS 2015 có hiệu lực đã hơn chín tháng nhưng đến nay Bộ Công an vẫn chưa ban hành thông tư mới để thay thế Thông tư số 70/2011/TT-BCA (về đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra). Vì vậy, để hạn chế oan sai, đảm bảo quyền bào chữa và quyền của LS khi tiếp xúc, gặp gỡ thân chủ thì cần sớm có văn bản mới hướng dẫn cụ thể kịp thời về nội dung trên. LS TỪ TIẾN ĐẠT, Đoàn LS TP.HCM |