Chi tiết bài viết

  • Các lưu ý khi soạn thảo hợp đồng

  • Lượt xem: 2765

 

Một chút bí mật nghề thám tử tư

 

(PetroTimes) - Những ai từng mê thám tử Sherlock Holmes trong loạt tiểu thuyết trinh thám lừng danh của nhà văn Arthur Conan Doyle sẽ nhớ đến những tình huống nghẹt thở, những suy luận cực kỳ logic, thông minh, nhanh nhẹn… trong các vụ án điều tra. Tại Việt Nam, nghề thám tử tư nở rộ trong 10 năm trở lại đây theo nhu cầu của thị trường. Nói như một thám tử hành nghề đã 10 năm, nghề này cần rất nhiều tố chất và đôi khi, thám tử phải đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập, cũng như những phút xúc cảm khó kìm nén trước một hoàn cảnh, một số phận quá trớ trêu…

 

Năng lượng Mới số 315

Đi vào hang ổ tội phạm

Biết đến Công ty Thám tử Lương Gia (TTLG) khá lâu nhưng phải đến một buổi chiều tháng 4 Sài Gòn nắng gắt tôi mới hẹn gặp được Giám đốc Lương Hiền Duy. Thám tử Duy bận đi suốt, anh bảo mới đi một chuyến qua Campuchia về, công ty có văn phòng đại diện tại Campuchia. Khuôn mặt lạnh lùng, nụ cười hiếm hoi khiến anh già hơn tuổi 31 của mình.

Thám tử Duy cho biết, cách đây không lâu, Công ty TTLG nhận nhiệm vụ điều tra một đôi tình nhân có dấu hiệu lừa đảo xuyên quốc gia. Có được đầy đủ thông tin do khách hàng cung cấp, anh đã cử 2 thám tử theo dõi quá trình hoạt động hằng ngày của đôi nam nữ suốt hơn 2 tuần tại Sài Gòn.

Ban ngày đôi tình nhân chọn nhà hàng sang trọng để ăn chơi, buổi tối họ tìm đến các vũ trường có tiếng để giao lưu tìm bạn. Các thám tử phán đoán mục đích cốt yếu của đôi tình nhân là để tìm kiếm con mồi phù hợp. Họ còn giao lưu với những người có độ tuổi 18-25 để nhận làm em nuôi, con nuôi theo nghĩa của những người có tiền trong xã hội. Những đứa em nuôi, con nuôi này cũng bị làm mờ mắt bởi những đồng tiền bất chính mà đôi tình nhân đã lợi dụng.

Ông Lương Hiền Duy - Giám đốc Công ty Thám tử Lương Gia

Kết hợp thông tin do chính các thám tử thu thập được và thông tin từ phía khách hàng và cũng là nạn nhân, thám tử Duy xét thấy cần phải hiểu rõ hơn tổ chức này để biết cách thức hoạt động của chúng nên anh quyết định trực tiếp xâm nhập và tiếp cận vào bên trong tổ chức này. Một sẽ giả vờ là nạn nhân, hai là sẽ tìm cách làm người trực tiếp chịu trách nhiệm để cho cặp tình nhân kia chú ý mà giao việc.

Trong quá trình theo dõi, các thám tử thấy sau khi nữ tình nhân đưa nam tình nhân ra sân bay để bay chuyến Việt Nam - Bangkok, trên đường về cô ghé vào một số siêu thị điện máy, cửa hàng điện tử trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP HCM để tìm hiểu về dàn máy DJ dùng cho người đánh nhạc trong vũ trường. Các thám tử tiếp xúc thì được biết cô gái thích thể loại nhạc mạnh và muốn tìm hiểu để học DJ.

Ngay sau đó, thám tử Duy tìm đến một người thầy rất nổi tiếng hiện đang chơi nhạc tại các vũ trường để bổ trợ kiến thức trước khi lên kế hoạch tiếp cận đối tượng. Với kiến thức DJ tiếp thu được, cộng với kiến thức âm nhạc đã học lúc nhỏ, thám tử Duy tạo cho mình vỏ bọc rất hoàn hảo. Anh đã tiếp cận đối tượng nữ tại một lớp DJ khi cô này đến đăng ký học. Với khuôn mặt điển trai, ngoại hình ưa nhìn và khả năng ăn nói thuyết phục, qua vài lần trò chuyện, Duy lấy được lòng cô ta. Và nhiều lần sau tình cờ gặp, được các thám tử sắp xếp cô ta không hề nghi ngờ thám tử Duy.

Trong một lần nhân dịp người tình của cô về Việt Nam, cô và người tình đã có cuộc họp ăn chơi với các em nuôi, con nuôi để củng cố tinh thần chuẩn bị kế hoạch cho một con mồi mà người tình cô đã dụ được ở Thái Lan. Và con mồi sắp về Việt Nam theo lời mời của hắn. Chính trong cuộc họp mặt này, thám tử Duy được mời tham dự với tư cách là một khách mời mới quen. Duy được nghe cặp tình nhân kể không ngớt những công việc của họ đang làm, các công ty ở nước ngoài và Việt Nam. Còn các em nuôi, con nuôi của đôi tình nhân thì tung hô lên ngất trời. Cũng trong dịp này, các thám tử đã bí mật ghi hình tất cả những người có mặt trong ngôi nhà thuê tại quận 5.

Một tuần sau, một con mồi từ Thái Lan có quốc tịch Mỹ do cặp tình nhân đích thân ra sân bay đón về một khách sạn ở đường Lý Tự Trọng (quận 1). Hằng ngày cặp tình nhân được tài xế có xe ôtô chở đến khách sạn để đón người đàn ông vừa về nước đi ăn và đi tham quan một số dự án mới mở liên quan bất động sản tại Bình Dương. Mục đích của họ là kêu gọi đầu tư, góp vốn và tham quan thị trường ở nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc…

Thám tử điều tra từ chủ nhà để xác minh lại giấy tờ của cặp tình nhân, qua nghiệp vụ điều tra thì được biết cả hai đều dùng giấy tờ giả. Tiếp tục tiếp xúc một vài đầu mối liên quan các em nuôi, con nuôi của cặp tình nhân thì thám tử biết rằng họ không có nhiều thông tin về cặp tình nhân này. Chỉ gặp tại một số quán bar nhỏ và họ qua mời bia, mời rượu và có nhã ý giới thiệu việc làm nên chơi thân. Họ được đôi tình nhân yêu cầu cho mượn chứng minh nhân dân với nhiều lý do khác nhau; hoặc để người thân ở nước ngoài chuyển tiền về; hoặc yêu cầu cho mượn số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để nhờ rút tiền dùm khi có người quen ở quê chuyển tiền vào nhờ mua hàng có giá trị lớn; hoặc đặt cọc tiền mua đất, mua nhà nhưng thực chất là do những đứa em nuôi, con nuôi khác đã cài đặt phần mềm gián điệp điện thoại vào vi tính để đánh cắp thông tin bí mật tài khoản và trộm tiền của nhiều người khác. Sau đó, chúng chia nhau tiền để tiêu xài.

Tất cả các thông tin đều được chuyển cho khách hàng để khách hàng yêu cầu cơ quan chức năng giúp đỡ và thám tử Lương Gia kết thúc hợp đồng điều tra tổ chức lừa đảo do người tại Việt Nam và Thái Lan thực hiện. Đây cũng là bài học đắt giá cảnh báo cho những người cả tin, dễ bị sập bẫy những đối tượng có mánh lười lừa đảo xuyên quốc gia đang ngày càng tăng tại Việt Nam.

Muôn kiểu nghi ngoại tình, tìm đến thám tử

Chia sẻ với chúng tôi, thám tử Duy cho biết, ngoài những dịch vụ khác thì khoảng 80% khách hàng tìm đến dịch vụ thám tử tư là do nghi chồng hoặc vợ ngoại tình. Trong đó, có khoảng 80% đối tượng khách hàng là thuộc giới trí thức mà vì những lý do khách quan, chủ quan không thể tự ra mặt hoặc đích thân theo dõi đối phương nên tìm đến công ty thám tử.

Ngoại tình thì có muôn kiểu, nhưng hiện có nhiều người vì nhu cầu thăng tiến mà sẵn sàng làm “phi công trẻ lái máy bay bà già” để được lên chức đã làm cho nhiều cô vợ khi phát hiện sự thật thì tinh thần bị sụp đổ hoàn toàn. Trong các khách hàng tìm đến công ty, Duy vẫn nhớ mãi câu chuyện gia đình chị K. Đang làm giảng viên một trường đại học tại TP HCM, còn chồng là kế toán của chi cục thuế nhà nước, tên T; trước những biểu hiện bất thường của chồng, chị K nghi ngờ chồng có tình nhân bên ngoài nhưng không thể biết chính xác là ai.

Ngoại tình (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Qua điều tra biết rằng, người đàn bà 45 tuổi tên H, là phó giám đốc và cũng là sếp trực tiếp của T là người thường xuyên đi chung T sau giờ tan sở. Bà H 43 tuổi, có một con gái và chồng bà đã mất cách đây 8 năm. Sau mấy ngày theo dõi, các thám tử phải hóa thân thành cặp tình nhân ăn chơi lân la các nhà hàng mà bà H và T cùng hẹn hò. Để rồi một ngày, các thám tử thấy đôi tình nhân cùng đi đến một khách sạn cách xa trung tâm thành phố. Thám tử Linh cố gắng bắt chuyện, làm quen với một trong những nhân viên của khách sạn, lúc đầu họ không chịu nói nhưng lát sau thì cô này vui vẻ kể: “T và bà H là tình nhân của nhau. Họ là khách VIP của khách sạn đã 7 tháng, hồi đầu họ chỉ đến một lần/tuần, sau đó hai lần/tuần và những tháng gần đây thì cứ hai ngày là có mặt tại khách sạn. Mấy tháng đầu, họ chỉ thuê khoảng hai đến ba tiếng, sau này ở qua đêm”. Theo lời nhân viên khách sạn thì bà H rất cưng chiều T.

Khi các thám tử hoàn thành bảng báo cáo cùng hình ảnh sau bốn ngày theo dõi, trao tận tay vợ T chị K như chết lặng vì không tin nổi là T có thể cặp với người phụ nữ hơn mình 11 tuổi chỉ vì muốn thăng quan tiến chức và tiền bạc. Nước mắt lăn dài trên gò má và tiếng khóc nấc không thành lời của cô giảng viên trẻ khiến các thám tử không khỏi chạnh lòng, xót xa.

Nếu anh T vì thăng chức mà sẵn sàng “lái máy bay bà già” thì trường hợp chồng của chị Hoa lại là thiếu chuyện chăn gối trong lúc vợ mang bầu mà ngoại tình. Theo nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý thì khi hẹn hò, yêu đương người ta quan tâm đến tình dục chỉ khoảng 20%, còn tình cảm đến 80%. Nhưng đời sống hôn nhân thì con số ngược lại, hạnh phúc vợ chồng có bền lâu hay không phụ thuộc rất nhiều vào chuyện gối chăn. Trên thực tế có không ít cặp vợ chồng chia tay vì “không hòa hợp”.

Chị Hoa bảo không muốn làm to chuyện vì nếu mọi việc vỡ lở, người thiệt sẽ là chị cùng đứa con trong bụng. Chị muốn tìm hiểu sự việc chồng có tình nhân sâu nặng đến đâu để khuyên nhủ chồng quay về với vợ con. Chị nhờ thám tử điều tra không phải là để gây hấn và ly dị chồng mà muốn hàn gắn mối quan hệ gia đình. Hiểu được tâm ý chị, ông Duy đã điều các thám tử điều tra lịch trình của anh Quang (chồng chị Hoa) và yêu cầu các thám tử phải hết sức cẩn thận, tránh sự việc bại lộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình chị Hoa sau này.

Sau những ngày theo dõi Quang, các thám tử phát hiện anh ta đang trồng cây si một nhân viên trẻ mới vào làm cùng công ty. Chị Hoa bảo chỉ muốn đứng từ xa nhìn, chứng kiến cảnh chồng chờ người trong mộng cả mấy tiếng đồng hồ ngoài cửa, trái tim chị đau nhói. Chị tự ái muốn buông cuộc hôn nhân này nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng chỉ biết thở dài ngao ngán. Các thám tử cố gắng an ủi, trấn an chị để bình tĩnh tìm cách đưa chồng trở về với gia đình.

Trong quá trình tiếp nhận những vụ việc khách hàng thuê thám tử điều tra lịch trình, mối quan hệ của người vợ hoặc chồng, Giám đốc Công ty Thám tử Lương Gia cho biết, có những vụ ngoại tình cực kỳ hy hữu. Mà gia đình ông Long là một trường hợp như thế. Ông Long nhờ các thám tử tư điều tra bà vợ đã gần 50 tuổi ngoại tình với ai để có chứng cớ đòi ly hôn. Theo ông kể, dù biết vợ có tình nhân bên ngoài nhưng ông không có nhiều thời gian để theo dõi và tìm hiểu xem đối phương là ai. Bởi ông vốn là giám đốc một bệnh viện khá lớn, quá bận rộn, có uy tín lớn. Vợ chồng ông sống với nhau hơn 25 năm và có ba mặt con hiện đều sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, gần 10 năm nay cả hai dù sống chung một nhà nhưng chăn ai nấy đắp. Vợ chồng ông vẫn tiếp tục sống với nhau vì sĩ diện, danh dự của cả hai.

Anh Duy cho biết, sự việc điều tra tưởng sẽ không có gì phức tạp nhưng thực chất nó không hề đơn giản như những vụ các thám tử đã điều tra trước đó. Vì bà Hoa thường xuyên di chuyển đến nhiều nước để làm ăn và thăm con cái. Phải mất 6 tháng trời, các thám tử mới có chứng cứ để biết người đàn ông trong bóng tối của bà Hoa hiện đang sống tại Mỹ và là thầy giáo dạy kèm các cháu của bà. Tất cả lịch trình, hình ảnh chụp họ cùng đi ăn, đi chơi, lúc vào và lúc rời khách sạn đều được các thám tử ghi lại. Tất cả dữ liệu ấy tức tốc chuyển về Việt Nam cho ông Long trước khi bà Hoa về nước. Khi các thám tử trao tận tay ông Long túi hồ sơ có những chứng cứ quan trọng, ông mừng quýnh vì mong muốn ly hôn ngót chục năm sẽ thành hiện thực.

Ly hôn (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Sau khi trò chuyện với Giám đốc Công ty Thám tử Lương Gia, chợt nhớ, theo thống kê của tòa án dân sự hiện nay có 80% cuộc ly hôn do có “người thứ ba”. 80% người tìm đến dịch vụ thám tử là giới trí thức. Đều đó phản ánh thực trạng xã hội, vấn đề ngoại tình đang ngày càng gia tăng và dường như ở tầng lớp trí thức thì nhiều hơn chăng?

Bên cạnh những câu chuyện ngoại tình oái oăm, ngang trái, giận hờn, tủi phận… thì trong nghề các thám tử đã không ít lần rơi nước mắt khi nghe câu chuyện thất lạc người thân. Nhiều nhất là những người mẹ trẻ từng vì hoàn cảnh như có thai ngoài ý muốn, hay bị người bỏ khi phát hiện có bầu, sau khi sinh đã bỏ con tại các bệnh viện, để rồi sau này phải sống trong dằn vặt, ăn năn cả một quãng đời dài. Nhiều người phụ nữ sau này quyết tâm đi tìm lại đứa con mình từng vứt bỏ. Đã có rất nhiều bà mẹ như thế tìm đến các thám tử. Khi chứng kiến cảnh những người mẹ từng lầm lạc tìm lại con, dù đứa con giờ đang sống trong gia đình cha mẹ nuôi thì những người mẹ trẻ vô cùng hạnh phúc. Mà một người mẹ nói trong nước mắt khi biết thông tin về đứa con gái từng bỏ rơi cách đây 20 năm đang sống cách nửa vòng trái đất: “Đó là điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời tôi”.

Sẽ được công nhận tại Việt Nam?

Hành nghề thám tử ở Việt Nam đã 10 năm, đến nay, thám tử Duy vẫn băn khoăn là hiện nay, ở nước ta nhu cầu dịch vụ thám tử tư rất lớn, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể nghề này trong luật. Do đó, cũng gây không ít khó khăn cho các thám tử trong quá trình tác nghiệp. Thám tử Duy cho tôi xem Huy Hiệu điều tra mang mã số 11533 được cấp tại Mỹ. Anh còn cho biết thêm: “Nếu nghề điều tra tại Việt Nam cần sự hỗ trợ của nhiều cơ quan khác nhau, có nhiều thông tin không thể tự trích lục được, trong khi ở Mỹ dữ liệu của mỗi cá nhân đều lưu trong từng file riêng. Chính phủ Mỹ cho mình quyền truy cập và phải đóng thuế. Do đó, chỉ cần một cái nhấp chuột người ta có thể tìm ra danh tính của một ai đó”.

Ngoài ra, có một thực tế là hiện nay nhu cầu về thám tử tại Việt Nam rất lớn, lợi dụng điều này, nhiều công ty dịch vụ thám tử tư nở rộ nhưng chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, thiếu đạo đức nghề nghiệp cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các công ty thám tử đang hành nghề chân chính.

Liên quan đến hoạt động các công ty thám tử tư đang hành nghề tại Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu cho biết, nếu căn cứ theo Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 52/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được tiến hành điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do cá nhân của tổ chức, cá nhân… thì về mặt pháp lý, hiện nay nghề thám tử chưa được tự do hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Trên thực tế, có rất nhiều công ty thám tử đang hành nghề, theo luật sư Hiếu do trong danh mục ngành nghề kinh doanh, có dịch vụ “cung cấp thông tin” nên các công ty thám tử núp dưới hình thức công ty “dịch vụ cung cấp thông tin”. Chứ nếu hiểu đúng nghĩa thám tử là đi lấy thông tin của người khác chứ không phải cung cấp thông tin. Cung cấp thông tin chỉ là bước sau khi họ làm “thám tử” thôi.

Còn giám đốc Lương Hiền Duy thì khẳng định, anh là người đầu tiên sử dụng Huy Hiệu điều tra và Công ty Thám tử Lương Gia là đầu tiên và duy nhất được Chính phủ Việt Nam đồng ý cấp phép hoạt động như một công ty làm việc cho chính phủ tại Việt Nam, chuyên về lĩnh vực điều tra.

Có cầu ắt có cung. Nếu nghề thám tử mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội thì có lẽ trong tương lai không xa, nghề này sẽ được đưa vào luật, được cấp phép hành nghề như nhiều ngành nghề khác tại Việt Nam; như vốn dĩ đã tồn tại ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 

BÀI 2:

LƯU Ý KHI SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

a) Soạn thảo Dự thảo hợp đồng trước khi đàm phán:

 

Soạn dự thảo hợp đồng (bước 1), đàm phán, sửa đổi bổ sung dự thảo (bước 2), hòan thiện – ký kết hợp đồng (bước 3) là một quy trình cần thiết. Soạn dự thảo hợp đồng giúp cho doanh nghiệp văn bản hóa những gì mình muốn, đồng thời dự liệu những gì đối tác muốn trước khi đàm phán. Nó giống như một bản kế hoạch cho việc đàm phán, khi có một dự thảo tốt coi như đã đạt 50% công việc đàm phán và ký kết hợp đồng. Nếu bỏ qua bước 1 chỉ đàm phán sau đó mới soạn thảo hợp đồng thì giống như vừa xây nhà vừa vẽ thiết kế, nên thường dẫn đến thiếu sót, sơ hở trong hợp đồng, đặc biệt đối với những thương vụ lớn.

 

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách viết về hợp đồng và thường kèm theo nhiều mẫu hợp đồng các loại. Ví dụ: cuốn Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư, do TS. Nguyễn Thị Dung (chủ biên). Doanh nghiệp nên dựa vào các mẫu hợp đồng đó để xem như là những gợi ý cho việc soạn dự thảo hợp đồng. Tuy nhiên hợp đồng được ký kết trên nguyên tắc tự do và bình đẳng, do đó nội dung của mỗi hợp đồng cụ thể luôn có sự khác nhau. Bởi nó phụ thuộc vào ý chí của các bên và đòi hỏi thực tiễn của việc mua bán mỗi loại hàng hoá, dịch vụ là khác nhau, trong các điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm khác nhau. Đăc biệt phải xác định (dự liệu) những rủi ro kinh doanh nào có thể hiện diện trong các giao dịch của doanh nghiệp và loại bỏ hay giảm thiểu những rủi ro đó bằng việc sử dụng các điều khoản hợp đồng; điều này các hợp đồng mẫu thường ít khi đề cập. Ví dụ: khi mua hàng hóa, phải dự liệu đến cả những tình huống hiếm khi xảy ra: hàng giả, hàng nhái; gặp bão, lụt trong quá trình vận chuyển, giao hàng; khi tranh chấp kiện tụng thì tiền phí luật sư bên nào chịu; những thiệt hại gián tiếp bên vi phạm có phải chịu không…? Do vậy không thể có một mẫu hợp đồng nào là chuẩn mực, nó thường thừa hoặc thiếu đối với một thương vụ cụ thể. Doanh nghiệp phải phải sửa cho phù hợp theo ý muốn của hai bên, đừng lạm dụng mẫu – chỉ điền một vài thông số và hoàn tất bản dự thảo hợp đồng.

 

b) Thông tin xác định tư cách chủ thể của các bên:

 

Doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác có quyền tham gia ký kết hợp đồng thương mại, nhưng để xác định được quyền hợp pháp đó và tư cách chủ thể của các bên thì cần phải có tối thiểu các thông tin sau:

 

- Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Tên, Trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện.Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp. Các bên nên xuất trình, kiểm tra các văn bản, thông tin này trước khi đàm phán, ký kết để đảm bảo hợp đồng ký kết đúng thẩm quyền.

 

- Đối với cá nhân: Tên, số chứng minh thư và địa chỉ thường trú. Nội dung này ghi chính xác theo chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc hộ khẩu và cũng nên kiểm tra trước khi ký kết.

 

c) Tên gọi hợp đồng:

 

Tên gọi hợp đồng thường được sử dụng theo tên loại hợp đồng kết hợp với tên hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ: tên loại là hợp đồng mua bán, còn tên của hàng hoá là xi măng, ta có Hợp đồng mua bán + xi măng hoặc Hợp đồng dịch vụ + khuyến mại. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn thói quen sử dụng tên gọi “HỢP ĐỒNG KINH TẾ” theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (1989) nhưng nay Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực, nên việc đặt tên này không còn phù hợp. Bộ luật dân sự năm 2005 đã dành riêng Chương 18 để quy định về 12 loại hợp đồng thông dụng, Luật thương mại năm 2005 cũng quy định về một số loại hợp đồng, nên chúng ta cần kết hợp hai bộ luật này để đặt tên hợp đồng trong thương mại cho phù hợp.

 

d) Căn cứ ký kết hợp đồng:

 

Phần này các bên thường đưa ra các căn cứ làm cơ sở cho việc thương lượng, ký kết và thực hiện hợp đồng; có thể là văn bản pháp luật điều chỉnh, văn bản uỷ quyền, nhu cầu và khả năng của các bên. Trong một số trường hợp, khi các bên lựa chọn một văn bản pháp luật cụ thể để làm căn cứ ký kết hợp đồng thì được xem như đó là sự lựa chọn luật điều chỉnh. Ví dụ: một doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua bán hàng hoá với một doanh nghiệp nước ngoài mà có thoả thuận là: Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005 của Việt Nam để ký kết, thực hiện hợp đồng thì hai luật này sẽ là luật điều chỉnh đối với các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp (nếu có). Do đó cũng phải hết sức lưu ý khi đưa các văn bản pháp luật vào phần căn cứ của hợp đồng, chỉ sử dụng khi biết văn bản đó có điều chỉnh quan hệ trong hợp đồng và còn hiệu lực.

 

e) Hiệu lực hợp đồng:

 

Nguyên tắc hợp đồng bằng văn bản mặc nhiên có hiệu lực kể từ thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận hiệu lực vào thời điểm khác; Ngoại trừ một số loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, như: hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng chuyển giao công nghệ… Các bên phải hết sức lưu ý điều này bởi vì hợp đồng phải có hiệu lực mới phát sinh trách nhiệm pháp lý, ràng buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

 

Liên quan đến hiệu lực thi hành của hợp đồng thương mại thì vấn đề người đại diện ký kết (người ký tên vào bản hợp đồng) cũng phải hết sức lưu ý, người đó phải có thẩm quyền ký hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền. Thông thường đối với doanh nghiệp thì người đại diện được xác định rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư. Cùng với chữ ký của người đại diện còn phải có đóng dấu (pháp nhân) của tổ chức, doanh nghiệp đó. Về thẩm quyền ký kết hợp đồng thương mại nếu nghiên cứu sâu rộng thì cũng còn rất nhiều vấn đề phải bàn, bạn đọc có thể tham khảo thêm cuốn Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư, do TS. Nguyễn Thị Dung (chủ biên).

 

2. Kỹ năng soạn thảo một số điều khoản quan trọng của hợp đồng thương mại

 

Thông thường để một văn bản hợp đồng được rõ ràng, dễ hiểu thì người ta chia các vấn đề ra thành các điều khoản hay các mục, theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn. Trong phần này, tác giả đưa ra những lưu ý, kỹ năng khi soạn thảo một số vấn đề (điều khoản) quan trọng thường gặp trong hợp đồng thương mại.

 

a) Điều khoản định nghĩa:

 

Điều khoản định nghĩa được sử dụng với mục đích định nghĩa (giải thích) các từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần hoặc cần có cách hiểu thống nhất giữa các bên hoặc các ký hiệu viết tắt. Điều này thường không cần thiết với những hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ thông thường phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nó rất quan trọng đối với hợp đồng thương mại quốc tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng tư vấn giám sát xây dựng; bởi trong các hợp đồng này có nhiều từ, cụm từ có thể hiểu nhiều cách hoặc từ, cụm từ chuyên môn chỉ những người có hiểu biết trong lĩnh vực đó mới hiểu. Ví dụ: “pháp luật”, “hạng mục công trình”, “quy chuẩn xây dựng”. Do vậy để việc thực hiện hợp đồng được dễ dàng, hạn chế phát sinh tranh chấp các bên phải làm rõ (định nghĩa) ngay từ khi ký kết hợp đồng chứ không phải đợi đến khi thực hiện rồi mới cùng nhau bàn bạc, thống nhất cách hiểu. Mặt khác khi có tranh chấp, kiện tụng xảy ra thì điều khỏan này giúp cho những người xét xử hiểu rõ những nội dung các bên đã thỏa thuận và ra phán quyết chính xác.

 

b) Điều khoản công việc:

 

Trong hợp đồng dịch vụ thì điều khoản công việc (dịch vụ) mà bên làm dịch vụ phải thực hiện là không thể thiếu. Những công việc này không những cần xác định một cách rõ ràng, mà còn phải xác định rõ: cách thức thực hiện, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người trực tiếp thực hiện công việc, kết quả sau khi thực hiện dịch vụ. Ví dụ: trong Hợp đồng tư vấn và quản lý dự án, không những cần xác định rõ công việc tư vấn, mà còn phải xác định rõ: cách thức tư vấn bằng văn bản, tư vấn theo quy chuẩn xây dựng của Việt Nam, người trực tiếp tư vấn phải có chứng chỉ tư vấn thiết kế xây dựng, số năm kinh nghiệm tối thiểu là 5 năm, đã từng tham gia tư vấn cho dự án có quy mô tương ứng. Có như vậy thì chất lượng của dịch vụ, kết quả của việc thực hiện dịch vụ mới đáp ứng được mong muốn của bên thuê dịch vụ. Nếu không làm được điều này bên thuê dịch vụ thường thua thiệt và tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng là khó tránh khỏi.

 

c) Điều khoản tên hàng:

 

Tên hàng là nội dung không thể thiếu được trong tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa. Để thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng và hạn chế tranh chấp phát sinh, tên hàng cần được xác định một cách rõ ràng. Hàng hoá thường có tên chung và tên riêng. Ví dụ: hàng hoá – gạo (tên chung), gạo tẻ, gạo nếp (tên riêng). Nên khi xác định tên hàng phải là tên riêng, đặc biệt với các hàng hoá là sản phẩm máy móc thiết bị. Tuỳ từng loại hàng hoá mà các bên có thể lựa chọn một hoặc nhiều cách xác định tên hàng sau đây cho phù hợp: Tên + xuất xứ; tên + nhà sản xuất; tên + phụ lục hoặc Catalogue; tên thương mại; tên khoa học; tên kèm theo công dụng và đặc điểm; tên theo nhãn hàng hoá hoặc bao bì đóng gói.

 

Lưu ý: Không phải tất cả các loại hàng hoá đều được phép mua bán trong thương mại mà chỉ có những loại hàng hoá không bị cấm kinh doanh mới được phép mua bán. Ngoài ra đối với những hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hoá đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Vấn đề này hiện nay được quy định tại một số văn bản sau: Luật thương mại 2005 tại các điều: Điều 25, Điều 26, Điều 32, Điều 33; Nghị định số: 59/NĐ-CP ngày 12/06/2006 về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; Nghị định số:12/NĐ – CP ngày 23/01/2006 về mua bán, gia công, đại lý hàng hoá quốc tế và Thông tư số: 04/TT-BTM ngày 06/04/2006.

 

d) Điều khoản chất lượng hàng hoá:

 

Chất lượng hàng hoá kết hợp cùng với tên hàng sẽ giúp các bên xác định được hàng hoá một cách rõ ràng, chi tiết. Trên thực tế, nếu điều khoản này không rõ ràng thì rất khó thực hiện hợp đồng và rất dễ phát sinh tranh chấp. Dưới góc độ pháp lý “chất lượng sản phẩm, hàng hoá là: tổng thể những thuộc tính, những chỉ tiêu kỹ thuật, những đặc trưng của chúng, được xác định bằng các thông số có thể đo được, so sánh được phù hợp với các điều kiện hiện có, thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội và của cá nhân trong những điều kiện sản xuất, tiêu dùng xác định, phù hợp với công dụng của sản phẩm hàng hoá” (Điều 3, Nghị Định số: 179/NĐ-CP ngày 21/10/2004 quy định quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá).

 

Nói chung chất lượng sản phẩm, hàng hoá được thể hiện thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật và những đặc trưng của chúng. Muốn xác định được chất lượng hàng hoá thì tuỳ theo từng loại hàng hoá cụ thể để xác định, dựa vào các chỉ tiêu về cơ lý, các chỉ tiêu về hoá học hoặc các đặc tính khác của hàng hoá đó.

 

Nếu các bên thoả thuận chất lượng hàng hoá theo một tiêu chuẩn chung của một quốc gia hay quốc tế thì có thể chỉ dẫn tới tiêu chuẩn đó mà không cần phải diễn giải cụ thể. Ví dụ: các bên thoả thuận: “chất lượng da giầy theo tiêu chuẩn Việt Nam theo Quyết định số: 15/QĐ- BCN, ngày 26/05/2006 về việc ban hành tiêu chuẩn ngành Da – Giầy”. Văn bản này có thể đưa vào mục tài liệu kèm theo của hợp đồng.

e) Điều khoản số lượng (trọng lượng):

Điều khoản này thể hiện mặt lượng của hàng hoá trong hợp đồng, nội dung cần làm rõ là: đơn vị tính, tổng số lượng hoặc phương pháp xác định số lượng. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán đá xây dựng để xác định số lượng các bên có thể lựa chọn một trong các cách sau: theo trọng lượng tịnh (kilôgam, tạ, tấn), theo mét khối, theo toa xe, toa tàu, hay theo khoang thuyền.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì cần phải quy định cụ thể cách xác định số lượng và đơn vị đo lường bởi hệ thống đo lường của các nước là có sự khác biệt. Đối với những hàng hoá có số lượng lớn hoặc do đặc trưng của hàng hoá có thể tự thay đổi tăng, giảm số lượng theo thời tiết thì cũng cần quy định một độ dung sai (tỷ lệ sai lệch) trong tổng số lượng cho phù hợp.

f) Điều khoản giá cả:

Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán. Về đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá (giá di động). Giá cố định thường áp dụng với hợp đồng mua bán loại hàng hoá có tính ổn định cao về giá và thời hạn giao hàng ngắn. Giá di động thường được áp dụng với những hợp đồng mua bán loại hàng giá nhạy cảm (dễ biến động) và được thực hiện trong thời gian dài. Trong trường hợp này người ta thường quy định giá sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường hoặc theo sự thay đổi của các yếu tố tác động đến giá sản phẩm.

Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán sắt xây dựng (sắt cây phi 16), hai bên đã xác định giá là: 200.000 đồng/cây nhưng loại thép cây này được sản xuất từ nguyên liệu thép nhập khẩu và giá thép nhập khẩu bên bán không làm chủ được nên đã bảo lưu điều khoản này là: “Bên bán có quyền điều chỉnh giá tăng theo tỷ lệ % tăng tương ứng của giá thép nguyên liệu nhập khẩu.”

g) Điều khoản thanh toán:

Phương thức thanh toán là cách thức mà các bên thực hiện nghĩa vụ giao, nhận tiền khi mua bán hàng hoá. Căn cứ vào đặc điểm riêng của hợp đồng, mối quan hệ, các điều kiện khác mà các bên có thể lựa chọn một trong ba phương thức thanh toán sau đây cho phù hợp:

Phương thức thanh toán trực tiếp: khi thực hiện phương thức này các bên trực tiếp thanh toán với nhau, có thể dùng tiền mặt, séc hoặc hối phiếu. Các bên có thể trực tiếp giao nhận hoặc thông qua dịch vụ chuyển tiền của Bưu Điện hoặc Ngân hàng. Phương thức này thường được sử dụng khi các bên đã có quan hệ buôn bán lâu dài và tin tưởng lẫn nhau, với những hợp đồng có giá trị không lớn.

Phương thức nhờ thu và tín dụng chứng từ (L/C) là hai phương thức được áp dụng phổ biến đối với việc mua bán hàng hoá quốc tế, thực hiện phương thức này rất thuận tiện cho cả bên mua và bên bán trong việc thanh toán, đặc biệt là đảm bảo được cho bên mua lấy được tiền khi đã giao hàng. Về thủ tục cụ thể thì Ngân hàng sẽ có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn các bên khi lựa chọn phương thức thanh toán này.

Lưu ý: Việc thanh toán trực tiếp trong các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân Việt Nam với nhau hoặc với cá nhân, tổ chức khác trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được sử dụng đồng tiền Việt Nam chứ không được sử dụng các đồng tiền của quốc gia khác, đồng tiền chung Châu Âu (ngoại tệ), theo Điều 4, Điều 22 – Pháp lệnh ngoại hối – 2005.

h) Điều khoản phạt vi phạm:

Phạt vi phạm là một loại chế tài do các bên tự lựa chọn, nó có ý nghĩa như một biện pháp trừng phạt, răn đe, phòng ngừa vi phạm hợp đồng, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Khi thoả thuận các bên cần dựa trên mối quan hệ, độ tin tưởng lẫn nhau mà quy định hoặc không quy định về vấn đề phạt vi phạm. Thông thường, với những bạn hàng có mối quan hệ thân thiết, tin cậy lẫn nhau, uy tín của các bên đã được khẳng định trong một thời gian dài thì họ không quy định (thoả thuận) điều khoản này. Còn trong các trường hợp khác thì nên có thoả thuận về phạt vi phạm.

Mức phạt thì do các bên thoả thuận, có thể ấn định một số tiền phạt cụ thể hoặc đưa ra cách thức tính tiền phạt linh động theo % giá trị phần hợp đồng vi phạm. Theo Bộ luật dân sự (Điều 422): “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm; mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận”. Nhưng theo Luật thương mại (Điều 301) thì quyền thoả thuận về mức phạt vi phạm của các bên bị hạn chế, cụ thể: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Do vậy, các bên khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật thương mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu các bên thoả thuận mức phạt lớn hơn (ví dụ 12%) thì phần vượt quá (4%) được coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và bị vô hiệu.

Các trường hợp vi phạm bị áp dụng chế tài phạt các bên cũng có thể thoả thuận theo hướng cứ vi phạm các thoả thuận trong hợp đồng là bị phạt hoặc chỉ một số vi phạm cụ thể mới bị phạt. Ví dụ: thoả thuận là: “Nếu bên bán vi phạm về chất lượng hàng hoá thì sẽ bị phạt 6% giá trị phần hàng hoá không đúng chất lượng. Nếu hết thời hạn thanh toán mà bên mua vẫn không trả tiền thì sẽ bị phạt 5% của số tiền chậm trả”.

j) Điều khoản bất khả kháng:

Bất khả kháng là sự kiện pháp lý nảy sinh ngoài ý muốn chủ quan của các bên, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng đã ký. Đó là các sự kiện thiên nhiên hay chính trị xã hội như: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, chiến tranh, bạo động, đình công, khủng hoảng kinh tế. Đây là các trường hợp thường gặp làm cho một hoặc cả hai bên không thể thực hiện được hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ của mình. Khi một bên vi phạm hợp đồng do gặp sự kiện bất khả kháng thì pháp luật không buộc phải chịu trách nhiệm về tài sản (không bị phạt vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại).

Trên thực tế, nếu không thoả thuận rõ về bất khả kháng thì rất dễ bị bên vi phạm lợi dụng bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm. Trong điều khoản này các bên cần phải định nghĩa về bất khả kháng và quy định nghĩa vụ của bên gặp sự kiện bất khả kháng. Ví dụ: Điều khoản bất khả kháng:

- Định nghĩa “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

- Bên gặp sự kiện bất khả kháng phải thông báo ngay cho bên kia biết và phải cung cấp chứng cứ chứng minh sự kiện bất khả kháng đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc vi phạm hợp đồng”.

k) Điều khoản giải quyết tranh chấp:

Đối với việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết theo Điều 1, Điều 7, Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài ngày 25/02/2003 và Điều 2 Nghị Định số: 25/NĐ-CP ngày 15/01/2004.

Trường hợp thứ hai: Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án; nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết.

Khi các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thoả thuận phải nêu đích danh một tổ chức Trọng tài cụ thể, ví dụ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam”. Nếu chỉ thoả thuận chung chung là: “trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài” thỏa thuận này vô hiệu.

Riêng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên còn phải quan tâm đến việc lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là: luật của bên mua, luật của bên bán hay luật quốc tế (các công ước quốc tế – ví dụ: Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hoá). Đây là vấn đề hết sức quan trọng, để tránh những thua thiệt do thiếu hiểu biết pháp luật của nước ngoài hay pháp luật quốc tế thì thương nhân Việt Nam nên chọn luật Việt Nam để áp dụng cho hợp đồng thương mại.

Nguồn: St

Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 35
  • Trong tuần: 549
  • Trong tháng: 4541
  • Tổng lượt truy cập: 954949
Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng