Chi tiết bài viết

  • Những điểm mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

  • Lượt xem: 1931
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khoá 13, kỳ họp lần thứ 7 thông qua vào ngày 19-6-2014, gồm 9 chương, 133 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2015.

 

     Với những sửa đổi, bổ sung quan trọng, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, Luật này đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật hiện hành) nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên là đủ tuổi kết hôn. Theo quy định này thì nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn. Tuy nhiên, với quy định điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn.
2. Không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính 
Luật HNGĐ 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng quy định cụ thể “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính-Khoản 2 Điều 8”.
3. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo 
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Theo đó, điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 của Luật như sau:
- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
* Như vậy, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định mới của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, với quy định này đã phản ánh được thực trạng hiện nay, và đáp ứng với tình hình phát triển thực tế của các mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình. 
4. Qui định chế độ tài sản của vợ chồng;
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo thoả thuận.
Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành (luật hôn nhân và gia đình 2000) quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng. Luật hiện hành chủ yếu đề cập đến vấn đề đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp thì chưa được đề cập tới, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Nay, Luật HNGĐ 2014 quy định cụ thể: việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn. Quy định này sẽ làm giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.
5. Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn
Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1-1-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
6. Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định “Vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”. Việc quy định chung chung tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình mà phải áp dụng các phong tục tập quán. Luật HNGĐ 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình so với Luật năm 2000, đó là: chỉ được áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận nhưng không được trái với các nguyên tắc, vi phạm các điều cấm tại Luật này. 
Trong xã hội, các mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình luôn diễn ra đa dạng, phức tạp, với những hình thức khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, chậm tiến bộ trong hôn nhân gia đình là vấn đề đang được quan tâm./. 

Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 37
  • Trong tuần: 3248
  • Trong tháng: 17033
  • Tổng lượt truy cập: 830078
Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng