Chi tiết bài viết

  • Một số vấn đề về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

  • Lượt xem: 2046

Một số vấn đề về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Một số vấn đề về tình tiết giảm nhẹ

“phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

-----------------------------

 

                                                                                                                     Thạc sỹ: Đinh Văn Quế

“Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Thực tiễn xét xử các Toà án cũng thường áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào Toà án cũng áp dụng đúng với nội dung của tình tiết giảm nhẹ này, mà không ít trường hợp do nhận thức hoặc do đánh giá không thống nhất nên khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không đúng pháp luật, không có tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

 

Về tình tiết giảm nhẹ này, không phải là tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 mà đã được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985. Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức nào về tình tiết giảm nhẹ này. Tại Hội nghị tổng kết công tác chống tham nhũng và buôn lậu năm 1992, Toà án nhân dân tối cao đã lưu ý: “Khi vận dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng cần phải nắm vững cả hai vế: phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Sai lầm của một số Thẩm phán thường là chỉ quan tâm đến vế thứ nhất là phạm tội lần đầu mà không chú ý vế thứ hai là và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tại Hội nghị này cũng chưa hướng dẫn một cách đầy đủ về nội dung tình tiết giảm nhẹ này, cũng như áp dụng như thế nào cho đúng với quy định của Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật, tuy chưa có hướng dẫn chính thức nhưng cũng đã có một số bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành trao đổi về tình tiết giảm nhẹ này nhưng chủ yếu dừng lại ở từng vụ án cụ thể, chưa có tính khái quát, tổng hợp để có thể áp dụng đối với tất cả các trường hợp phạm tội. Để giúp cho Thẩm phán Toà án các cấp hiểu và sử dụng tình tiết giảm nhẹ này, chúng tội có một số ý kiến và rất mong bạn đọc trong và ngoài ngành cùng trao đổi.

 

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” bao gồm hai nội dung (hai vế) rất rõ đó là: “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu tách hai nội dung này ra thì giữa “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không liên quan gì với nhau, nhưng nhà làm luật quy định: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là một tình tiết giảm nhẹ với việc dùng liên từ “và” để gắn hai nội dung (hai vế) với nhau thì cả hai nội dung (hai vế) là điều kiện cần và đủ để xác định có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không. Cũng chính vì vậy mà tại Hội nghị tổng kết công tác chống tham nhũng và buôn lậu năm 1992, Toà án nhân dân tối cao đã lưu ý: “Khi vận dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng cần phải nắm vững cả hai vế: phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tuy nhiên khi xác định nội dung tình tiết giảm nhẹ này thì chúng ta phải xác định từng vế, trên cơ sở đó mới có thể xác định người phạm tội có thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự hay không.

 

1. Phạm tội lần đầu

 

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, việc xác định thế nào là phạm tội lần đầu cũng có nhiều ý kiến khác nhau:

 

Ý kiến thứ nhất cho rằng, phạm tội lần đầu là lần đầu bị đưa ra xét xử, vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền quyết định hình phạt, một người chỉ bị Toà án đưa ra xét xử thì mới có việc quyết định hình phạt và chỉ khi quyết định hình phạt thì Toà án mới căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ (Điều 45 Bộ luật hình sự). Nếu người phạm tội đã có nhiều lần phạm tội nhưng chưa có lần nào bị Toà án kết án thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu. Ví dụ: Năm 2008, Huỳnh Tấn H đã hai lần bị Công an phường xử phạt hành chính với hình thức  cảnh cáo về hành vi trộm cắp; ngày 15-3-2009 Huỳng Tấn H lại trộm cắp Toà án trị giá 2.000.000 đồng và bị truy tố theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự; khi quyết định hình phạt đối với Huỳnh Tấn H, Toà án nhân dân huyện K xác định Huỳnh Tấn H “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

 

Ý kiến thứ hai cho rằng, phạm tội lần đầu cũng là trường hợp lần đầu bị đưa ra xét xử hoặc tuy đã bị đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng trước khi bị đưa ra xét xử lần này, nếu hành vi phạm tội trước đó đã được xoá án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu. Ví dụ: Năm 2002, Nguyễn Văn M bị Toà án nhân dân huyện Q kết án 6 tù nhưng cho hưởng án treo về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự, đã được xoá án; ngày 25-12-2008 Nguyễn Văn M lại bị bắt về tội đánh bạc và bị truy tố theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự. Khi xét xử và quyết định hình phạt đối với Nguyễn Văn M, Toà án nhân dân huyện Q xác định Nguyễn Văn M “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

 

Ý kiến thứ ba cho rằng, phạm tội lần đầu là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý hoặc bị xét xử lần nào lần đưa ra xét xử này là lần đầu tiên. Ví dụ: Ngày 24-1-2009, Lưu Thị T bị bắt quả tang đang vận chuyển 30 kg pháo nổ; trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn phát hiện trước đó, ngày 20- 12-2008 Lưu Thị L còn mua bán 40 kg pháo nổ. Với hành vi phạm tội như trên, Viện kiểm sát nhân dân quận H truy tố Lưu Thị L về tội “vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự. Khi xét xử và quyết định hình phạt Toà án nhân dân quận H đã xác định Lưu Thị L “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

 

Ý kiến thứ tư cho rằng, phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào. Nếu các lần phạm tội trước đó đã bị xử lý hành chính, đã bị kết án chưa được xoá án hoặc đã được xoá án, hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội mới này vẫn không được coi là phạm tội lần đầu. Theo quan điểm này thì ba ví dụ nêu trên đều không được coi là “phạm tội lần đầu”, chỉ coi là “phạm tội lần đầu” khi bị xét xử người phạm tội chưa một lần nào có hành vi phạm tội và lần phạm tội này cũng chỉ bị truy trách nhiệm hình sự về một tội và tội đó thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Nếu người phạm tội tuy trước đó chưa phạm tội lần nào nhưng lần bị đưc ra xét xử lần này lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội khác nhau thì cũng không được coi là “phạm tội lần đầu”. Ví dụ:  Đặng Văn Q bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 và tội “dâm ô đối với trẻ em” theo khoản 1 Điều 116 Bộ luật hình sự. Trước khi bị truy tố về hai tội này, Đặng Văn Q chưa phạm tội lần nào. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này và phân tích thêm một số vấn đề sau:

 

Điều luật quy định “phạm tội lần đầu” chứ không quy định “bị kết án lần đầu” hay “bị xét xử lần đầu”. Phạm tội là hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ, không phụ thuộc vào việc người có hành vi đó bị xử lý như thế nào. Một người có hành vi phạm tội có thể bị Toà án kết án, có thể bị xử phạt hành chính, có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng họ vẫn bị coi là đã phạm tội nên lần phạm tội bị Toà án đang xét xử thì không thể coi là “phạm tội lần đầu” được. Phạm tội lần đầu là một khái niệm độc lập không liên quan đến các chế định khác có liên quan đến phạm tội nhiều lần như: tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; tiền án hoặc tiền sự. Một người có thể phạm tội nhiều lần nhưng có thể không bị xác định là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, hoặc không bị xác định là tiền án hoặc tiền sự, nhưng vẫn bị coi là đã phạm tội. Điều 63 Bộ luật hình sự quy định: “Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án” chứ không quy định “coi như chưa phạm tội”. Ý nghĩa của tình tiết giảm nhẹ này là chiếu cố những người chưa bao giờ thực hiện hành vi phạm tội, nay vì một lý do hoặc hoàn cảnh nào đó mà họ phạm tội lần đầu.

 

Tuy nhiên nếu chỉ phạm tội lần đầu mà thuộc trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ, mà chỉ thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Do đó, Bộ luật hình sự quy định "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng".

 

2. Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng

 

Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là trường hợp tội phạm mà người phạm tội thực hiện gây nguy hại không lớn cho xã hội. Ví dụ: Trộm cắp tài sản có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trước hết thuộc trường hợp  tội phạm mà người phạm tội thực hiện là tội ít nghiêm trọng quy định ở khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự.

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự thì tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Ví dụ: Tội giết con mới đẻ (Điều 94); tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95; tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở Việt Nam trái phép (Điều 274)...

 

Do cấu tạo của Bộ luật hình sự nên có tội phạm điều luật chỉ quy định một khung hình phạt. Ví dụ: Tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự chỉ có một khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nhưng đa số tội phạm điều luật quy định nhiều khung hình phạt mỗi khung hình phạt tương ứng với một khoản của điều luật. Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự có tới 4 khung hình phạt tương ứng với 4 khoản (trừ khoản 5 quy định hình phạt bổ sung). Trong đó, khoản 1 có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; khoản 2 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù; khoản 3 có khung hình phạt từ năm năm đến mười lăm năm tù và khoản 4 có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân. Có thể nói tội có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác là tội phạm được cấu tạo bao gồm đầy đủ cả bốn loại tội: Khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng, khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng, khoản 4 là tội phạm đắc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên không phải tội phạm nào cũng được cấu tạo như tội có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác mà tuỳ thuộc vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà nhà làm luật quy định là loại tội phạm nào. Có tội phạm luôn luôn là tội ít nghiêm trọng. Ví dụ: tội có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự, cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng; có tội phạm luôn luôn là tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự, tội chống loài người quy định tại Điều 342 Bộ luật hình sự, tội phạm chiến tranh quy định tại Điều 343 Bộ luật hình sự; có tội phạm vừa tội ít nghiêm trọng vừa là tội nghiêm trọng hoặc vừa là tội nghiêm trọng vừa là tội rất nghiêm trọng hoặc vừa là tội rất nghiêm trọng vừa là tội đặc biệt nghiêm trọng... Vì vậy, khi cần xác định tội phạm nào là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng phải căn cứ vào khung hình phạt đối với tội ấy.     

 

Trước hết, căn cứ để xác định tội phạm ít nghiêm trọng là hành vi phạm tội gây nguy hại cho xã hội không lớn. Đại lượng không lớn mà nhà làm luật quy định có thể được xác định ngay trong điều luật. Ví dụ: gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30 % ( khoản 1 Điều 104) hoặc trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đến 50.000.000 đồng (khoản 1 Điều 138). Nhưng cũng có thể do các cơ quan tiến hành tố tụng xác định. Ví dụ: hành vi dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội (Điều 130) phải có sự đánh giá thế nào là hành vi nghiêm trọng khác hoặc nếu xác định hành vi phạm tội chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chưa phải là tội phạm nghiêm trọng mà vẫn là tội phạm ít nghiêm trọng. Ví dụ: Một người trộm cắp từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng, nhưng nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, nhà làm luật chỉ đưa ra tiêu chí để phân biệt tội phạm và trong nhiều trường hợp tiêu chí đó đã được quy định ngay trong điều khoản của Bộ luật hình sự, nhưng cũng không ít trường hợp việc xác định tội phạm ít nghiêm trọng lại do chính các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Bộ luật hình sự quy định tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà không quy định gây thiệt hại không lớn cho xã hội. Do đó, cần phải hiểu rằng nguy hại cho xã hội và thiệt hại cho xã hội không phải là một, có trường hợp chưa gây thiệt hại nhưng đã gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: Hành vi hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mặc dù chưa gây thiệt hại (chưa lật đổ được chính quyền nhân dân) vẫn bị coi là hành vi gây nguy hại rát lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội (Điều 78 Bộ luật hình sự). Ngược lại, có hành vi gây thiệt hại lớn cho xã hội nhưng lại chưa bị coi là gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: Hành vi cản trở giao thông đường bộ gây thiệt nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản nhưng chỉ bị coi là hành vi gây nguy hại không lớn cho xã hội, nên hành vi này cũng chỉ là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng ( khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự).

 

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội là tiêu chí cơ bản đẻ xác định tội phạm ít nghiêm trọng nhưng nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí này thì cũng chưa thể xác định tội phạm đó là tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng mà phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ít nghiêm trọng là đến ba năm tù. Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là đến ba năm tù không có nghĩa là tội phạm đó có mức cao nhất của khung hình phạt nhất thiết là ba năm tù mà có thể dưới ba năm tù, thậm chí không có hình phạt tù. Ví dụ: Tội vi phạm chế đọ một vợ một chồng quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là một năm tù; tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến một năm ... Các tội phạm này mức cao nhất của khung hình phạt không phải là ba năm tù, thậm chí không phải là hình phạt tù.

 

Ngoài những tội ít nghiêm trọng, người phạm tội lần đầu đối với các tội nghiêm trọng, nhưng do có các tình tiết đặc biệt của vụ án làm cho trường hợp phạm tội cụ thể đó thành ít nghiêm trọng thì cũng thuộc tình tiết giảm nhẹ này. Tuy nhiên chỉ coi là trường hợp ít nghiêm trọng, nếu khung hình phạt đối với tội ấy có mức thấp nhất từ 3 năm tù trở xuống và khi quyết định hình phạt, Toà án cũng chỉ xử phạt bị cáo không quá 3 năm tù. Ví dụ: Khoản 1 Điều 97 về tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù là tội nghiêm trọng. Nhưng người phạm tội có  nhiều tình tiết giảm nhẹ, Toà án chỉ xử phạt bị cáo với hình phạt từ 3 năm tù trở xuống thì vẫn coi đây là trường hợp ít nghiêm trọng.

 

Thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, có Toà án chỉ xác định  “bị cáo phạm tội lần đầu” mà không xác định xem bị cáo phạm tội có thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hay không nhưng vẫn áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; có Toà án cũng biết là bị cáo phạm tội không phải là lần đầu mà chỉ thuộc trường hợp lần đầu bị “đưa ra xét xử” nhưng cũng áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ngược lại có Toà án cho rằng bị cáo có nhiều hành vi phạm tội cùng một tội, nhưng nếu tách riêng từng hành vi ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm đó là tội phạm ít nghiêm trọng nhưng Toà án lại cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần chứ không phải là phạm tội lần đầu. Ví dụ: Ngày 03-4-2008, Phạm Quốc T  trộm cắp tài sản trị giá 800.000 đồng, ngày 13-4-2008 T lại trộm cắp tài sản trị giá 1.200.000 đồng và ngày 31-5-2008 T lại trộm cắp tài sản có giá trị 300.000 đồng thì bị bắt và bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, nếu tách từng hành vi của Phạm Quốc T thì chưa có lần nào cấu thành tội trộm cắp, nhưng nếu tính cả 3 lần trộm cắp thì hành vi của Phạm Quốc T mới cầu thành tội trộm cắp tài sản và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù và là tội phạm ít nghiêm trọng, nên hành vi của Phạm Quốc T được coi là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.  

 

Về “Trường hợp ít nghiêm trọng”, thực tiễn xét xử hầu hết các Toà án chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng tức là tội mà họ bị truy tố, xét xử có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù, rất ít trường hợp Toà án áp dụng đối với những tội nghiêm trọng, chưa có trường hợp nào Toà án áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

 

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử có ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sự có quy định “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” ở một số điều luật cụ thể nên người phạm tội chỉ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này nếu họ phạm tội lần đầu và tội phạm đó Bộ luật hình sự có quy định là “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Ví dụ: Huỳnh Thị C lần đầu phạm tội gián điệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 80 Bộ luật hình sự thì mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” vì khoản 2 Điều 80 Bộ luật hình sự quy định “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

 

Theo quan điểm trên, thì tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chỉ được áp dụng đối với rất ít trường hợp, vì Bộ luật hình sự chỉ có một số tội phạm nhà làm luật quy định “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” như: tội giấn điệp (khoản 2 Điều 80); tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 2 Điều 85); tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 2 Điều 86); tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 2 Điều 87) và tội chống phá trại giam (khoản 2 Điều 90). Ngoài các tội phạm trên, thì không còn tội phạm nào nhà làm luật quy định “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

 

Đúng là Bộ luật hình sự có một số điều luật nhà làm luật quy định “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và cũng chỉ đối với một số tội xâm phạm an ninh quốc gia nhưng không vì thế mà cho rằng các tội phạm khác không có trường hợp ít nghiêm trọng. Mặt khác, các tội phạm quy định tại các Điều 80, 85, 86, 87 và 90 là các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều là các tội đặc biệt nghiêm trọng, trường hợp ít nghiêm trọng đối với các tội phạm này mà nhà làm luật quy định cũng là tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, không có trường hợp nào là tội phạm ít nghiêm trọng. Hơn nữa, tình tiết “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 các Điều 80, 85, 86, 87 và 90 đã là tình tiết định khung hình phạt nên nó cũng không còn là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nữa. Vì vậy, tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chỉ áp dụng đối với các tội phạm mà nhà làm luật không quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt.

 

Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 37
  • Trong tuần: 3584
  • Trong tháng: 17369
  • Tổng lượt truy cập: 830414
Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng