Không có điều luật nào quy định người dân phải chấp hành giấy mời của cơ quan công an vì các lý do không liên quan đến một vụ án đã được khởi tố.
Khi nào người dân nên chấp hành?
Theo Luật sư TỪ TIẾN ĐẠT Trưởng Văn phòng luật sư ĐẠT ĐIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM), khi chưa xác định và chưa có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của công dân, công an không có quyền buộc công dân phải lên phường làm việc.
“Bản chất tờ giấy mời của cơ quan công quyền không tạo nghĩa vụ bắt buộc công dân phải đến”, LS. TỪTIẾN ĐẠT cho biết.
Theo quy định của Hiến pháp, các văn bản luật và dưới luật, công dân có quyền từ chối làm việc trong trường hợp chưa xác định được mình tham gia tố tụng với tư cách gì (bị can, bị cáo, người làm chứng…), chưa được giải thích rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của mình và trong quá trình làm việc xuất hiện các hành vi ép cung, mớm cung hoặc đe dọa của cơ quan công quyền.
Cụ thể hơn, căn cứ điều 10, Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thì trừ trường hợp phạm tội quả tang, không ai bị bắt nếu không có quyết định tòa án hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát.
“Người dân nên nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nếu bị cơ quan công an bắt giữ không phù hợp với quy định pháp luật thì họ có quyền phản ứng. Nếu họ không phải là người tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự cụ thể, không phạm tội quả tang thì nếu bị mời, bị triệu tập, họ có quyền từ chối”, LS TIẾN ĐẠT nói thêm.
Tuy nhiên, theo luật sư TIẾN ĐẠT trong trường hợp được mời lên phường làm việc với lý do cụ thể, công dân nên tích cực hợp tác với cơ quan công an để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.