Chi tiết bài viết

  • KHAI SINH CHO TRẺ KHI BA MẸ CHƯA ĐỦ TUỔI KẾT HÔN

  • Lượt xem: 2019

KHAI SINH CHO TRẺ KHI BA MẸ CHƯA ĐỦ TUỔI KẾT HÔN 

Câu hỏi:

Cháu tên Bích, gia đình cháu đang có vấn đề cần được hiểu rõ, và giải quyết hậu quả hợp lý nhất liên quan đến Luật hôn nhân gia đình. Nhưng không biết phải làm thế nào?

Em trai cháu 21 tuổi có quen 1 em gái 14 tuổi cùng quê, đã nghỉ học, lúc gia đình biết thì em gái đã có thai 3 tháng. Sau tin sốc này thì cha mẹ 2 bên có tổ chức 1 lễ cưới nhỏ ở quê. Vấn đề gia đình cháu cần được tư vấn: Khi nào 2 em mới làm giấy kết hôn được ?

 Bé sinh ra có được làm giấy khai sinh không ? Nếu không được thì khi nào mới làm được. Nếu được thì cần lưu ý điều gì. Và làm như thế nào?

Nhờ  Luật sư tư vấn giúp gia đình cháu vấn đề sau, xin cảm ơn rất nhiều.

Nguyễn Thị Bích

L.S Từ Tiến Đạt trả lời :

Chào bạn!

Cản ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau: 

Thứ nhất, về vấn đề đăng ký kết hôn:

Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Vì thế, hai em của bạn không thể đăng ký kết hôn bây giờ mà phải chờ cho đến khi khi người nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì mới được đăng ký kết hôn.

Thứ hai, về vấn đề làm giấy khai sinh cho em bé:

-Trẻ em có quyền được khai sinh mà không phụ thuộc mẹ cháu có đủ tuổi kết hôn hay chưa và đã đăng ký kết hôn hay chưa theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam: "Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch". Do vậy, sau khi sinh em bé thì ba, mẹ hoặc có thể nhờ người thân tiến hành làm giấy khai sinh cho bé. 

-Thủ tục làm giấy khai sinh cho trẻ em căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh »

Vì các em của bạn chưa được đăng ký kết hôn nên gia đình bạn có thể lựa chọn đăng ký khai sinh cho bé theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định nói trên bằng một trong hai cách:

Cách 1: Khai sinh cho con ngoài giá thú và không xác định cha cho em bé, như vậy phần người cha trên giấy khai sinh sẽ bỏ trống.

Cách 2: Khai sinh cùng với việc em trai bạn thực hiện thủ tục nhận con. 

Tuy nhiên, nếu lựa chọn cách thứ 2: “nhận con” trong trường hợp của gia đình bạn chúng tôi xin lưu ý một số vấn đề sau:

Vì mẹ của đứa bé mới 14 tuổi mà đã có thai và sinh con nên nếu xác định được ai là cha của đứa bé thì người này có thể bị khởi tố và xét xử về tội: “Giao cấu với trẻ em” quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự hiện hành.

“Điều 115. Tội giao cấu với trẻ em  

1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.”

Việc nhận con trong trường hợp này gián tiếp tố cáo em trai bạn có quan hệ giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và có thể bị các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về tội “Giao cấu với trẻ em” như đã trình bày trên. 

Trân trọng!

Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 31
  • Trong tuần: 3337
  • Trong tháng: 14899
  • Tổng lượt truy cập: 846946
Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng